Phiên dịch ngân hàng, họ là ai?
19th, June, 2019
Phong thái tự tin, chuyên nghiệp, có mặt ở khắp mọi cuộc họp trọng yếu, được quen “tiếng”, biết “hình” và biết “chữ”, nhưng không nhiều người biết tên. Đó là vài nét phác họa chân dung các phiên dịch viên ngân hàng.
“Biết tuốt”
3 ngày liên tiếp dịch về IT, vận hành, ngân hàng điện tử tiếp sau 2 ngày đầu tuần dịch về bán lẻ, quản trị rủi ro, tài chính; cuối tuần dịch một “tour” về quản lý stress trong khuôn khổ dự án văn hoá doanh nghiệp GIEO; 1 tuần liền sau đó “trực chiến” liên tục theo các cuộc họp bảo vệ ngân sách năm 2019 của các khối, trung tâm trực thuộc tổng giám đốc. Đó là lịch làm việc sơ sơ của hai tuần bận rộn vào loại “trung bình” của nhóm phiên dịch VPBank gồm vỏn vẹn 6 người, trong đó có 3 người dịch nói.
Trước áp lực phải “nạp” từ vựng liên quan đến mọi mảng hoạt động của Ngân hàng và thị trường, team phiên dịch có một “tập quán” chung khi mới vào VPBank là “cày” đến nát (theo đúng nghĩa đen của từ này) cuốn báo cáo thường niên VPBank, cùng các báo cáo hàng ngày đã có. Google search, từ điển thuật ngữ kinh doanh, sổ tay sản phẩm các khối… trở thành bạn đồng hành không thể thiếu của họ từ lúc nào không hay.
Theo sát khâu nội dung các cuộc họp quan trọng của Ngân hàng, tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao của VPBank và đối tác, đội ngũ phiên dịch viên thường nằm trong số những người đầu tiên nắm thông tin nguồn mới nhất và phần nhiều là “tuyệt mật” của Ngân hàng. Nhưng biết để mà… biết thế thôi, họ sẽ không bao giờ chia sẻ với bên thứ ba, theo đúng đạo đức nghề nghiệp.
“Máy dịch”
Tại hầu hết các ngân hàng, những tài liệu, văn bản chuyển ngữ được gửi tới ban điều hành hàng ngày đều qua tay team phiên dịch thực hiện: từ các bản tin hàng ngày (Daily Banking Digest – DBD), thông điệp cuối tuần (Food for thought – FFT), báo cáo dự án hàng tuần, đến vô số tài liệu phát sinh khác theo yêu cầu của văn phòng tổng giám đốc, văn phòng HĐQT, Khối Ops và các khối khác… Số lượng từ dịch viết mỗi tháng cứ tăng dần đều. Phiên dịch viên trở thành những cái “máy dịch” và thường xuyên phải “cày” đêm khi có yêu cầu dịch gấp.
Nỗi ám ảnh dịch chuẩn, đúng deadline lớn đến nỗi, trong giấc mơ, Vân Trang – biên dịch viên team phiên dịch của VPBank – cũng thấy sếp bị hỏi: “DBD của anh đâu?”. Một tháng đầu tiên khi vào làm của cô nàng là ác mộng và stress khi những bản dịch đầu tiên bị chỉnh sửa đến nỗi toàn bộ file tracked-change (file lưu lại các điểm chỉnh sửa) là một màu đỏ choét… Đơn giản là vì, bất kể “đầu vào” hạn chế đến đâu, sản phẩm đầu ra của họ nhất thiết phải đảm bảo chất lượng.
Thần kinh thép
Ở trường đại học, các phiên dịch viên từng được dạy rằng, khi dịch cabin sẽ được cung cấp trước tài liệu liên quan và thường có 2 – 3 tuần chuẩn bị trước mỗi buổi dịch. Nhưng trên thực tế, ở ngân hàng, chuyện chỉ được báo trước 2h để đi dịch cabin một cuộc họp bất thường là rất… bình thường. Ngay cả với nhiều cuộc họp đã có kế hoạch và cung cấp tài liệu trước, nhưng thường thì với lịch làm việc quá dày đặc, các phiên dịch viên cũng chỉ có thể đọc “nước rút” tài liệu khi về nhà.
Tốc độ nói nhanh, ngữ âm, ngữ điệu đa dạng của các phía phát biểu cũng phần nào gây khó cho các “thông ngôn”, nhất là khi dịch cho các cuộc họp qua cầu truyền hình tele-conference với chất lượng âm thanh “kém trung thực”, thông tin hình ảnh mà diễn giả trình bày được chiếu trên khắp các màn hình trong phòng.
Chả thế mà không ít những câu chuyện ứng viên ứng tuyển vào vị trí phiên dịch viên bỏ chạy “mất dép” ngay ngày đầu tiên đến dự định thử sức cho buổi dịch cabin. Như trường hợp tại VPBank, ứng viên này đến ra mắt rất tự tin với 3 năm học ở Úc, tự giới thiệu rằng mình nói tiếng Anh như gió. Nhưng chỉ sau 15 phút dự khán buổi họp trong lúc chờ lên trực chiến, ứng viên cứ tái mặt dần và chỉ kịp chuyển một mảnh giấy nhỏ tới các phiên dịch viên trước khi “chạy”. Mảnh giấy viết: “Kính gửi các chị. Em rất xin lỗi là không thể đảm nhận được công việc này. Em chúc các chị một ngày làm việc tốt lành”.
Nhiều nghề “tay trái”
Điểm đặc biệt chỉ có ở số ít ngân hàng là những phiên dịch viên, biên dịch viên lại có thêm nghề tay trái và hoàn toàn tình nguyện là làm giáo viên, quản trị cộng đồng những người thích học tiếng Anh qua các hội nhóm online. Con đường truyền cảm hứng cho các banker trong việc học tiếng Anh của họ bao gồm rất nhiều thời gian và tâm huyết đầu tư vào những mini-game hút khách nhỏ nhỏ, những sự kiện offline mới mẻ, hấp dẫn với các diễn giả nước ngoài…, tất cả đều nhằm thổi bùng lên mối quan tâm, tinh thần tự học tiếng Anh hiệu quả trong ngân hàng.
Nguồn: Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019
————————————————————————————————————————————————————————–
Công ty Phiên dịch Expertrans là Nhà cung cấp các dịch vụ về giải pháp hỗ trợ toàn cầu hóa hiệu quả nhất giành cho doanh nghiệp – Dịch vụ Ngôn Ngữ (Biên dịch, Phiên dịch, Thu âm, Lồng tiếng, Chép dịch, Bản địa hóa Game, Website, Phần mềm,…). Với hơn 14 năm kinh nghiệm, chúng tôi kết hợp trí tuệ của đội ngũ biên, phiên dịch viên giỏi nhất, được sàng lọc và tuyển chọn khắt khe, với những công nghệ dịch thuật tiên tiến nhất hiện nay như Trados, Translation Memory để mang đến cho khách hàng sự uy tín và hài lòng tối đa.
- Hotline: 0926 05 1999
- Email: [email protected]