Cách lãnh đạo thế giới điện đàm với nhau
4th, May, 2020
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khiến truyền thông quốc tế chú ý sau cuộc điện thoại gây tranh cãi của ông với lãnh đạo Đài Loan. Cuộc điện đàm đã khiến nhiều người thắc mắc về cách thức trao đổi qua điện thoại giữa các lãnh đạo trên thế giới.
Tờ New York Times mới đây tiết lộ rằng sau khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ hôm 8/11, các đồng minh nước ngoài của Mỹ “cứ gọi đại vào tháp Trump” – đại bản doanh của ông Trump – để kết nối với tân tổng thống đắc cử. Lùm xùm bắt đầu bùng lên sau cuộc điện đàm của ông Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc suốt 40 năm qua nhằm ngăn các nhà lãnh đạo Mỹ liên lạc với phía Đài Loan.
Cuộc điện đàm gây tranh cãi của ông Trump đã khiến nhiều người thắc mắc về cách thức trao đổi qua điện thoại giữa lãnh đạo các nước cũng như các vùng lãnh thổ với nhau. BBC đã chỉ ra một số quy trình thông thường để các cuộc điện đàm diễn ra suôn sẻ và đạt được mong muốn của cả hai bên.
Những quy định chuẩn mực
“Xin chào, tôi có thể nói chuyện với ông/bà tổng thống được không?” không phải là câu mà các nhân viên tổng đài được nghe từ một nhà lãnh đạo thế giới khi họ muốn kết nối với lãnh đạo một nước khác. Trên thực tế, trước khi lãnh đạo hai nước có thể nói chuyện với nhau qua điện thoại, đội ngũ nhân viên của họ đã phải chuẩn bị và hoàn tất mọi việc từ trước.
“Khi hai nước có quan hệ thân thiết thì mọi việc chỉ đơn giản là nhân viên ở phòng hội nghị của bên này gọi điện cho bên kia và thông báo lãnh đạo của tôi muốn nói chuyện với lãnh đạo của ông”, Stephen Yates, phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, cho biết.
Trong trường hợp hai nước ít liên lạc với nhau thì đại sứ của một nước sẽ đại diện cho lãnh đạo nước mình gửi đề nghị chính thức tới bên kia. Hai bên sau đó sẽ thống nhất về chủ đề điện đàm cũng như lý do cho cuộc trò chuyện. Nếu cả hai đạt được sự đồng thuận thì nội dung đó sẽ được đưa vào chương trình của cuộc điện đàm.
Được “phím” trước nội dung
Các nhà lãnh đạo thế giới thông thường sẽ được các nhân viên của mình báo cáo ngắn gọn trước khi điện đàm với nhau. Tại Mỹ, Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), cơ quan cố vấn về chính sách an ninh và đối ngoại, thường sẽ chuyển trước cho tổng thống một bộ hồ sơ liên quan đến cuộc gọi. Nếu đó là một cuộc gọi xã giao thì bộ hồ sơ sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất, bao gồm thông tin chi tiết về người gọi cùng một vài gợi ý mấu chốt liên quan đến chủ đề điện đàm.
Đôi khi tổng thống cũng được các nhân viên của mình cung cấp một số thông tin cá nhân cần phải biết liên quan đến người liên lạc, chẳng hạn như việc vợ hoặc chồng của lãnh đạo bên kia vừa bị bệnh. Nếu chủ đề cuộc điện đàm là nhạy cảm thì NSC sẽ đề xuất với tổng thống một cuộc họp ngắn và sau đó cũng ngồi cùng tổng thống để nghe điện thoại.
Không nghe điện một mình
Các nhà lãnh đạo trên thế giới thường không nghe điện thoại một mình. Sẽ có nhiều người khác ngồi cùng với họ trong quá trình cuộc điện đàm diễn ra, trong đó đó có các trợ lý và người phiên dịch. Ngay cả khi các lãnh đạo thông thạo tiếng nước ngoài thì họ vẫn ưu tiên chọn tiếng mẹ đẻ để trò chuyện. Theo Kevin Hendzel, từng là chuyên gia ngôn ngữ tại Nhà Trắng, “đôi khi đó là do lòng tự hào dân tộc, nhưng cũng là nhằm tránh hiểu nhầm và giữ đúng sắc thái biểu cảm của người nói”.
Người phiên dịch cho tổng thống Mỹ phải trải qua các bài kiểm tra an ninh và kiểm tra nhân thân gắt gao. Thậm chí, họ còn phải vượt qua bài kiểm tra nói dối trước khi được tiếp cận các thông tin nhạy cảm liên quan đến ngoại giao cấp cao.
“Không có chuyện người (phiên dịch) mới tập sự được làm việc ở cấp tổng thống. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian để một phiên dịch viên đạt được đến cấp độ này. Họ cũng đồng thời phải là chuyên gia về các chủ đề của cuộc điện đàm vì một lỗi sai cũng có thể gây tai hại lớn”, ông Hendzel nói thêm.
Theo BBC