[Chuyện nghề] Phiên dịch ngoại giao: Chuyện những “lính đặc nhiệm” chỉ nhận lệnh, không thoái thác
23rd, March, 2020
Một phần của Ngoại giao
Phiên dịch ngoại giao là một nghề, cũng giống như nghề phiên dịch, nhưng là một nhánh khác. “Phiên dịch ngoại giao là một phần của Ngoại giao”, đấy là phương châm “truyền thừa” qua các thế hệ phiên dịch. Nghĩa là phiên dịch ngoại giao không chỉ làm công việc chuyển ngữ mà phải nắm nội dung, nguyên tắc, chủ trương, những tinh tế, phức tạp của vấn đề, tình hình, thái độ, lập trường của ta và phía bên kia để đưa câu chuyện đi đúng hướng, nói đúng tông, thể hiện đúng không khí, sắc thái của câu chuyện, thần thái của người nói.
Có hai khâu đều khó và đều đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế, năng lực riêng: khâu thứ nhất là đọc đúng ý, luận đúng tinh thần, thái độ của người nói và khâu thứ hai là tái hiện đúng điều đó sang ngôn ngữ kia mà không có độ trễ về thời gian.
Muôn màu “cabin”
Công chúng hay nhìn thấy phiên dịch ngoại giao ngồi cạnh, ngồi sau hoặc đi sát Lãnh đạo cấp cao. Đây là tình huống dịch hội đàm hoặc tiếp xúc. Trong nhóm tình huống này có việc rất đặc biệt là dịch cho lãnh đạo trong phòng chờ nguyên thủ trong các diễn đàn, hội nghị đa phương. Khi ấy, phiên dịch là cán bộ ngoại giao duy nhất, cũng là người duy nhất có mặt bên cạnh Lãnh đạo cấp cao và sẽ cùng lúc phải đóng vai trò phiên dịch, ngoại giao, liên lạc, chụp ảnh, ghi biên bản, phục vụ…
Khi thấy Lãnh đạo đeo tai nghe thì đấy là dịch cabin, hay còn gọi là dịch song song, dịch đồng thời. Phiên dịch ngồi riêng trong cabin, dịch cùng lúc với người nói, nói xong thì cũng dịch xong.
Dịch cabin rất khó khi phải cùng lúc vừa nói, vừa nghe, vừa tư duy chuyển ngữ. Phiên dịch cho hội đàm cấp cao thách thức hơn nhiều so với dịch cabin hội nghị, vì các phát biểu tại hội nghị chủ yếu là các tuyên bố về lập trường, quan điểm, các lập luận về vấn đề nào đấy thì hội đàm cấp cao đi vào các nội dung cụ thể trong quan hệ song phương và vẫn đòi hỏi nhạy cảm chính trị, tái thể hiện đúng giọng điệu. Dịch nối tiếp tưởng dễ nhưng lại vô cùng khó vì phải nhớ, ghi, phải biên tập để “là phẳng” những khác biệt về văn hóa, tư duy, cách diễn đạt.
Vượt qua chính mình
Tuy nhiên, trong suốt các thời kỳ khác nhau, luôn chỉ có 2-3 người có thể đảm nhiệm dịch hội đàm cấp cao. Không hẳn dịch hội đàm cho lãnh đạo cấp cao nhất thì khó nhất, nhưng người dịch những cuộc này phải chịu áp lực lớn nhất, căng thẳng nhất, đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức, có khả năng và dám xử lý, chịu trách nhiệm trước các tình huống phát sinh.
Dân phiên dịch ai cũng thấm câu: “Không có người phiên dịch tốt, chỉ có cuộc dịch tốt”, nghĩa là không phải lúc nào cũng có thể dịch hay, thăng hoa và “tai nạn” lúc nào cũng rình rập. Đầu óc có khoảnh khắc không thực sự thông suốt, có lúc trí nhớ phản bội, tự nhiên quên, có lúc ý sáng trong đầu mà diễn đạt ra vẫn vấp, không trôi chảy. Mỗi phiên dịch ngoại giao sẽ trưởng thành theo thời gian, nỗ lực phấn đấu, khả năng vượt qua sức ép, tâm lý, qua kinh nghiệm các cuộc dịch lớn nhỏ và đào tạo của đơn vị. Đấy là quá trình vượt qua chính mình với những khen, chê, khi thăng hoa mà cũng có lúc “ê chề”.
Phiên dịch ngoại giao có phần giống lính đặc nhiệm, cái gì khó nhất, nhạy cảm nhất với đối tác, yếu nhân nước ngoài thì họ đều được gọi tên. Biết là rất thử thách, nhưng họ chỉ được nhận lệnh và vào trận, không được thoái thác.
Theo baoquocte.vn
Về Expertrans Global
Expertrans Global là Nhà cung cấp các dịch vụ về giải pháp hỗ trợ toàn cầu hóa hiệu quả nhất dành cho doanh nghiệp – Dịch vụ Ngôn Ngữ (Dịch Thuật, Phiên dịch, Bản địa hóa, Thu âm – Lồng tiếng) và Dịch vụ BPO (Tuyển dụng nhân sự, Call centre)… Với hơn 14 năm kinh nghiệm phục vụ các Doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước, chúng tôi cam kết mang đến cho khách hàng sự uy tín và hài lòng tối đa.
- Hotline: 0926 05 1999
- Email: [email protected]