Ứng dụng giúp phát âm tiếng Anh chuẩn của cô gái Việt nhận khoản vốn 7 triệu USD
3rd, April, 2019
Quỹ đầu tư cho trí tuệ nhân tạo của Google là một trong những tổ chức góp 7 triệu USD cho ứng dụng học tiếng Anh của Văn Đinh Hồng Vũ.
Ứng dụng học tiếng Anh Elsa gọi vốn 7 triệu USD
TechCrunch đưa tin Gradient Ventures – quỹ đầu tư chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) của Google – dẫn đầu đợt rót vốn 7 triệu USD vào Elsa – startup vận hành ứng dụng học tiếng Anh cùng tên.
Sau hơn hai năm Gradient Ventures ra đời, đây là thương vụ thứ 18 của họ (theo Crunchbase) và là thương vụ đầu tiên tại Châu Á. Monk’s Hill Ventures và SOSV cũng tham gia đợt rót vốn.
Đến thời điểm hiện tại, Elsa đã huy động 12 triệu USD từ các nhà đầu tư. Ứng dụng hoạt động từ năm 2015 nhằm giúp những người ở các quốc gia không nói tiếng Anh cải thiện khả năng phát âm, giao tiếp bằng tiếng Anh.
Văn Đinh Hồng Vũ, giám đốc điều hành Elsa, là một trong hai nhà sáng lập công ty. Mặc dù thành thạo tiếng Anh, cô đã phải vật lộn để có thể giao tiếp với người bản địa trong quãng thời gian học và làm việc tại Mỹ.
Nữ giám đốc điều hành Văn Đinh Hồng Vũ của Elsa. Ảnh: TechCrunch.
Cùng với nhà nghiên cứu về nhận dạng giọng nói Xavier Anguera, hai người bắt đầu xây dựng Elsa để giúp những người có mong muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh. Xavier Anguera giữ chức Giám đốc công nghệ (CTO) của Elsa.
“Tôi rất giỏi về ngữ pháp, đọc và viết nhưng tôi nhận ra ngữ âm mạnh và cách phát âm chưa chính xác khiến nhiều người không hiểu lời nói của tôi. Thực tế ấy khiến tôi thật sự không tự tin khi đi xin việc hoặc thậm chí là gặp gỡ bạn bè”, Hồng Vũ kể.
Nữ doanh nhân nhận định: “Thị trường hiện nay có nhiều giải pháp học Tiếng Anh nhưng chúng chủ yếu tập trung vào việc mở rộng vốn từ vựng, ngữ pháp, trong khi rất ít phương pháp tập trung vào cải thiện phát âm”, cô nói thêm.
Elsa sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói và AI (trí tuệ nhân tạo) để chấm điểm phát âm của người dùng dựa trên tiếng Anh Mỹ chuẩn. Tập trung vào việc đánh giá chi tiết phát âm của người dùng, Elsa cho phép theo dõi tiến trình của họ.
Dịch vụ sử dụng mô hình freemium của Elsa cho phép người dùng truy cập đầy đủ 1.000 khoá học với giá khoảng 3-6 USD mỗi tháng, tuỳ thuộc vào thời lượng (dao động từ một đến 12 tháng). Ứng dụng cập nhật nội dung mới mỗi tuần.
Elsa có người dùng ở hơn 100 quốc gia. Việt Nam là thị trường hàng đầu với hơn 2 triệu người dùng trả tiền.
Công ty sẽ mở rộng dịch vụ ở ba quốc gia tiếp theo là Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ. Elsa đã mở một văn phòng tại Tokyo và đang lên kế hoạch giới thiệu phiên bản nội địa hoá hơn cho người dùng Nhật Bản. Sau Nhật Bản, Elsa sẽ tấn công vào Indonesia và Ấn Độ – thị trường mà Vân dự đoán dịch vụ của Elsa sẽ thu hút lượt tải xuống lớn mà không cần bỏ nhiều chi phí cho marketing.
Elsa cũng đang làm việc để mở rộng nội dung học Tiếng Anh sang các ngôn ngữ khác, cụ thể là Tây Ban Nha. Tây Ban Nha được nhiều người khẳng định là tiếng quan trọng thứ hai trên thế giới sau Tiếng Anh, và Elsa đã chuẩn bị công nghệ back-end để hiện thực hoá mục tiêu.
“Chúng tôi phải xây dựng công nghệ nhận dạng giọng nói để nhận dạng các ngôn ngữ khác nhau một cách chính xác. Công ty có cơ sở hạ tầng và bây giờ cần thu thập dữ liệu giọng nói để tào tạo cho mô hình”, CEO của Elsa chia sẻ.
Hiện tại, Elsa cũng phối hợp với các trường để đưa ứng dụng vào lớp học. Công ty cho phép các trường tải nội dung hoặc chương trình cụ thể lên Elsa để biến nó thành một phần bài tập hoặc kiểm tra. Giáo viên có thể đánh giá học sinh đã hoàn thành bài tập về nhà hay chưa dựa trên điểm số hiển trên ứng dụng.
Nguồn: Kinh Tế Tiêu Dùng